Nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn công ty Xây dựng
Cấu trúc vốn thường được đo lường bằng nhiều chỉ tiêu. Trên cơ sở đi sâu phân tích các chỉ tiêu tỷ suất nợ, bài viết làm rõ những nhân tố ảnh hưởng tới cấu trúc vốn của các công ty cổ phần ngành Xây dựng
Cấu trúc vốn và các nhân tố ảnh hưởng tới cấu trúc vốn
Các ngành, nhất là ngành Xây dựng – một ngành kinh doanh khá đặc biệt, có đặc điểm chiếm dụng vốn dài hạn. Hệ thống các doanh nghiệp (DN) ngành Xây dựng phần lớn cũng là các DN nhỏ và vừa, cho nên vấn đề tiếp cận nguồn vốn rất khó khăn trong bối cảnh hiện nay.
Do vậy, cấu trúc vốn (Capital structure) thường được đo lường bằng nhiều chỉ tiêu. Ở bài viết tác giả đi vào phân tích bằng chỉ tiêu tỷ suất nợ.
Cấu trúc vốn là quan hệ về tỷ trọng giữa nợ và vốn chủ sở hữu, trong tổng số nguồn vốn của công ty được dùng để tài trợ quyết định đầu tư của một DN. Được đo lường bằng các chỉ tiêu như tỷ suất nợ, tỷ suất nợ dài hạn, tỷ suất nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu. Nhiều nghiên cứu đã được đưa ra như lý thuyết Modiglani và Miler (1958), lý thuyết cân đối (Trade-off Theory-TOT), lý thuyết trật tự phân hạng hay lý thuyết tín hiệu… Qua đó các tác giả đã nhận diện những nhân tố ảnh hưởng tới cấu trúc vốn. Trên nền tảng đó, bài viết xây dựng một số mô hình về các nhân tố ảnh hưởng tới cấu trúc vốn của các công ty cổ phần ngành Xây dựng niêm yết trên sàn chứng khoán, cụ thể như:
Nhân tố qui mô: Được đo lường bằng chỉ tiêu doanh thu. Các DN có quy mô lớn thường được biết nhiều và tạo được uy tín trên thị trường tài chính. Vì vậy, các DN này có khả năng vay nợ nhiều hơn các DN có quy mô nhỏ. Điều này đúng với thực tế của thị trường Việt Nam – thị trường thông tin bất cân xứng (thông tin của DN tới nhà đầu tư thường không được đầy đủ và chính xác). Cho nên, DN lớn được các nhà đầu tư tin cậy hơn, nhất là các ngân hàng. Đề tài giả thiết quy mô của DN có quan hệ thuận chiều với tỷ suất nợ.
Nhân tố thời gian hoạt động: Thông thường, nếu DN có thâm niên hoạt động trên thị trường càng nhiều năm thì chỗ đứng của DN cũng được khẳng định và được nhiều khách hàng cũng như các đối tượng cung cấp vốn biết đến, cho nên sự bất cân xứng thông tin ở trường hợp này có thể giảm nhẹ. Đề tài giả thiết thời gian hoạt động của DN có quan hệ cùng chiều với tỷ suất nợ.
Nhân tố cấu trúc tài sản: Là thước đo cơ bản nhất thể hiện giá trị tài sản có mối quan hệ mật thiết với đòn bẩy tài chính của DN. Qua những nghiên cứu thực nghiệm, hầu hết các DN khẳng định rằng, hơn 90% tài sản có ý nghĩa rất lớn liên quan cấu trúc vốn của DN. Tài sản thế chấp là một điều kiện tốt, quan trọng để các chủ nợ xem xét quyết định cấp tín dụng. Để kiểm chứng mối tương quan này. Đề tài giả thiết cấu trúc tài sản cố định của DN có quan hệ ngược chiều với tỷ suất nợ.
Nhân tố hiệu quả kinh doanh: Hiệu quả kinh doanh đo lường khả năng sinh lời từ hoạt động kinh doanh của DN thông qua các chỉ tiêu như khả năng sinh lời tài sản (ROA) hay tỷ suất sinh lời của vốn chủ sở hữu (ROE). Theo lý thuyết trật tự phân hạng, nhà quản trị DN bao giờ cũng có thông tin về giá trị DN tốt hơn nhà đầu tư bên ngoài. Sự bất cân xứng về thông tin này dẫn đến chi phí huy động vốn từ bên ngoài sẽ cao hơn. Vì thế, nhà quản trị có xu hướng ưu tiên sử dụng các nguồn vốn nội tại trước, rồi mới đến các nguồn vốn vay mượn bên ngoài. Do đó, hiệu quả hoạt động kinh doanh của các công ty càng cao, lợi nhuận đem lại cho DN càng lớn thì DN sẽ càng có xu hướng sử dụng nguồn vốn nội tại hơn là đi vay. Ở Việt Nam, vấn đề thông tin bất cân xứng càng làm cho vấn đề này trở nên chắc chắn hơn. Giả thiết hiệu quả hoạt động của DN có quan hệ nghịch chiều với tỷ suất nợ.
Nhân tố tính thanh khoản: Tính thanh khoản này có tác động (+) và (-) đến quyết định cấu trúc vốn. Thứ nhất, các công ty có tỷ lệ thanh khoản cao có thể sử dụng nhiều khoản nợ khác để trả các khoản nợ vay ngắn hạn khi đến hạn. Như vậy, tính thanh khoản của công ty có quan hệ tỷ lệ thuận (+) với nợ vay. Mặt khác, các công ty có thanh khoản dồi dào có thể sử dụng số tài sản này tài trợ cho các khoản đầu tư của mình. Do vậy, tính thanh khoản của công ty có quan hệ nghịch (-) với tỷ suất nợ.
Nhân tố tốc độ tăng trưởng: Để đánh giá sự tăng trưởng có mối quan hệ với tỷ lệ nợ trong cấu trúc vốn. Tăng trưởng càng kém càng khiến công ty đối mặt với những khó khăn về tài chính hơn, do vậy tỉ lệ nợ thường sử dụng cao hơn. Giả thiết cơ hội tăng trưởng của DN có quan hệ nghịch chiều với tỷ suất nợ.
Nhân tố tỷ lệ vốn nhà nước: Đề tài giả thiết tỷ lệ vốn nhà nước có mối quan hệ cùng chiều với tỷ suất nợ.
Nhân tố rủi ro kinh doanh: Rủi ro chính là sự chênh lệch giữa lợi nhuận thực tế so với lợi nhuận kỳ vọng. Đó chính là sự không chắc chắn, sự biến thiên của kết quả. Nếu rủi ro cao thì khả năng phá sản sẽ cao hơn. Theo đó, các công ty cổ phần ngành Xây dựng niêm yết trên sàn chứng khoán cũng sẽ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, lợi nhuận không đủ bù đắp lãi vay, biến động trong thu nhập, nợ trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các DN. Theo lý thuyết trên thì rủi ro kinh doanh có mối quan hệ nghịch chiều với tỷ suất nợ.
Phương pháp nghiên cứu đã được sử dụng
Dữ liệu nghiên cứu: Sử dụng số liệu thu thập được từ các báo cáo tài chính trong 3 năm (2009-2011) của 40 công ty cổ phần ngành Xây dựng niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
Phương pháp phân tích: Sử dụng công cụ Excel và SPSS để nghiên cứu. Có 3 bước cụ thể trong quá trình nghiên cứu: Xây dựng các chỉ tiêu phản ánh cấu trúc vốn và các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn của các DN; Xác định mối quan hệ tương quan giữa các biến bằng cách tính hệ số tương quan từng phần; Phân tích hồi quy tuyến tính đơn và hồi quy tuyến tính bội để xác định mức độ ảnh hưởng của các biến giải thích đến tỷ lệ nợ của các công ty niêm yết.
Kết quả phân tích
Đặc điểm các biến nghiên cứu
Tỷ suất nợ trung bình là 61%. Tỷ suất nợ trung vị là 67%. Như vậy sẽ có 1/2 số công ty được phân tích có tỷ suất nợ cao hơn 67% và 1/2 công ty còn lại có tỷ suất nợ thấp hơn 67%.
Phân tích các nhân tố ảnh hưởng tới cấu trúc vốn
Để tiến hành phân tích, các biến được đưa vào mô hình theo phương pháp Backward elimination (loại dần ra).
Y1 = 0.912+ 0.211 X1 – 0.677 X6 + 0.123 X8 – 0.082 X9
Hay Tỉ suất nợ = 0.912 +0.211 quy mô DN – 0.677 KNTT + 0.123 Tỷ lệ vốn nhà nước – 0.082 RR kinh doanh.
Theo kết quả phân tích tương quan và hồi quy bội, có bốn nhân tố thật sự ảnh hưởng đến tỉ suất nợ của các công ty cổ phần ngành Xây dựng niêm yết trên HNX. Nhân tố tác động mạnh nhất là khả năng thanh toán và mối quan hệ (-). Nhân tố thứ 2 là quy mô DN, quan hệ (+). Nhân tố thứ 3 tác động tới tỷ suất nợ là tỷ lệ vốn nhà nước, quan hệ (+) . Nhân tố cuối cùng là rủi ro kinh doanh, quan hệ (-).
Tài liệu tham khảo:
1. TS. Nguyễn Minh Kiều (2010), Tài chính công ty, NXB Lao động xã hội ;
2. PGS., TS. Trần Ngọc Thơ (2005), Tài chính DN hiện đại, NXB Thống kê;
3. Hoàng Trọng – Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2005), Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, NXB Thống kê;
4. http://www.cophieu68.com.vn.
Nguồn : Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 8